Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Chia sẻ thêm bài viết mới

10 năm phòng chống tác hại thuốc lá:

Mươi năm vẫn như… mới

Hôm qua (27.5), Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị đánh giá 10 năm (2000-2010) thực hiện Nghị quyết 12 của Chính phủ về phòng chống tác hại thuốc lá với sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân. 10 năm không phải là chặng đường ngắn, nhưng xem ra những kết quả mà các cơ quan hữu trách thực hiện vẫn không mấy thuyết phục.

Văn bản nhiều, thực hiện bao nhiêu?
Có thể nói rằng, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) hiện nay là tương đối đầy đủ, không muốn nói là quá nhiều. Thế nhưng, tại hầu hết các hội nghị, hội thảo, cuộc họp bàn về chủ đề này phần lớn nội dung vẫn dành cho việc lựa chọn, tìm ra giải pháp hữu hiệu để phòng chống có hiệu quả những tác hại của khói thuốc. Trong khi đó, các giải pháp được nêu ra vẫn không có gì mới và chúng đã được triển khai thực hiện 10 năm nay rồi.
Bằng chứng của việc thực hiện không hiệu quả văn bản trên thể hiện ở bản đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 12 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mục tiêu của Nghị quyết đề ra là: “Giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc lá từ 50% xuống còn 20%”. Tuy nhiên, 10 năm triển khai thực hiện các giải pháp PCTHTL, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá vẫn còn khá cao (năm 2010 tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá vẫn là 47,4%, năm 2000 là 56,1%). Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, chúng ta mới giảm được 9% số nam giới hút thuốc. Về mục tiêu thực hiện môi trường không hút thuốc, theo điều tra GATS năm 2010 cho thấy, vẫn còn khoảng 55,9% người lao động (tương đương với gần 8 triệu người) hiện đang bị phơi nhiễm thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc; Và có tới 73,1% người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên (tương đương với 47 triệu người) cho biết phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nhà.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là nước có chính sách cấm quảng cáo và khuyến mại các sản phẩm thuốc lá khá toàn diện và triệt để so với các nước. Thế nhưng, tại các điểm bán hàng việc vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá vẫn xảy ra khá phổ biến. Hệ thống bán lẻ thuốc thì đâu đâu cũng thấy, từ vỉa hè, cạnh cống đến cầu thang, công viên… Vi phạm phổ biến nhất là trưng bày số bao thuốc và tút thuốc quá giới hạn cho phép. Không chỉ thế, quy định in lời cảnh báo về THTL đối với sức khỏe trên bao bì các sản phẩm thuốc lá được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm vấn nạn này và nó được thực hiện ở rất nhiều nước trên thế giới, nhưng hiện nay ở ta vẫn chỉ là in một trong hai cảnh báo sức khỏe: “Hút thuốc lá gây ung thư phổi” hoặc “hút thuốc lá có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính”, chiếm 30% diện tích vỏ bao (trong khi quốc tế khuyến cáo lời cảnh báo cần thiết kế có cả hình ảnh và kích cỡ nên chiếm 50% hoặc hơn diện tích hai mặt chính của các bao bì sản phẩm thuốc lá).
Biện pháp tăng thuế thuốc lá để giảm hút cũng là một trong những giải pháp quan trọng để thực thi có hiệu quả các chương trình PCTHTL. Tuy nhiên, hiện nay mức thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện chiếm nhiều nhất chỉ là 45% giá bán lẻ thuốc lá, mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 65-85% do Ngân hàng Thế giới khuyến cáo và so với mức thuế đã đạt được ở các nước có chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả. Thậm chí, gía thuốc lá ở Việt Nam gần như không đổi trong hơn 10 năm qua, trong khi thu nhập bình quân theo đầu người tăng nhanh và liên tục làm cho thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua hơn. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hút thuốc lá vẫn cao ở nước ta – các chuyên gia khẳng định.
Tăng cường nhận thức và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp
Đó là ý kiến chung của đa số chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành, đoàn thể và lãnh đạo các địa phương tại hội nghị tổng kết 10 năm PCTHTL vừa tổ chức hôm qua (27.5) tại Thủ đô Hà Nội. Theo bà Hà Thị Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta hiện nay là khá đầy đủ, nhưng nhận thức của người dân không tăng, chính sách của nhà nước không chắc chắn, triển khai không kịp thời, lực lượng hữu trách không thực thi quyết liệt, đến nới đến chốn thì hiệu quả phòng chống không thể cao được…”.
Phần lớn đại biểu cũng cho rằng, phải tăng kinh phí cho việc PCTHTL, nếu không sẽ khó lòng thực hiện được. Cụ thể, theo ông Hoàng Văn Thái, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vi phạm về quảng cáo và trưng bày thuốc lá tràn lan như thế, nhưng lực lượng thanh tra quá mỏng nên làm không xuể; kinh phí hỗ cho hoạt động thanh, kiểm tra cũng hạn chế nên không đủ sức động viên anh em. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cũng không dễ thực hiện nếu kinh phí cho hoạt động này quá eo hẹp. “Khi tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi cũng phải có tiền thuê người sáng tác, dàn dựng…, kinh phí ít quá làm sao nổi” – ông Thái than thở.
Không chỉ tăng cường công tác thanh tra, xử phạt nghiêm khắc các sai phạm hút thuốc lá nơi công cộng (bến xe, rạp hát…), ông Trần Thế Hòa, Chánh văn phòng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị, chúng ta cũng phải phản đối quyết liệt việc hút thuốc lá khi đang tham gia giao thông, bởi nó là một hành vi vô văn hóa. Ông đưa ra dẫn chứng: Có lần ông tận mắt chứng kiến một thanh niên vừa đi xe máy vừa phì phèo hút thuốc, nhả khói lung tung. Thậm chí, sau khi hút xong anh ta ném ngay tàn thuốc vào người một em bé được bố mẹ chở đi ngay cạnh). Cùng với công tác tuyên truyền; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đại diện cho Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi cho rằng, nhà nước cần phải nghiên cứu và xem xét điều chỉnh chính sách thuế thuốc lá, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt thì mới hạn chế được vấn nạn này./.

Đoan Trang
Báo Pháp luật








B

1 nhận xét: