Phòng chống tác hại thuốc lá đang là một vấn đề ngày càng thu hút được sự quan tâm của bạn đọc rộng rãi. Với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực chuẩn bị để Luật Phòng chống tác hại thuốc lá sớm được thông qua. Blog này được xây dựng nhằm hỗ trợ các nhà báo Việt Nam chia sẻ mọi thông tin liên quan tới kiểm soát thuốc lá, học hỏi và hỗ trợ nhau về nghiệp vụ để góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam.
Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010
Khói thuốc vẫn mù mịt trong... “vùng cấm”
Ngọc Dung
Khói thuốc vẫn nhả đều tại hầu hết các điểm cấm sau hơn 9 tháng thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng. Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Vinacosh), Bộ Y tế tiếp kiến nghị mạnh mẽ việc thay đổi các hình thức xử phạt để giảm thiểu số người hút thuốc lá.
Chục mét... 7 cửa hàng thuốc lá!
Dọc khu phố Tây (phố Phạm Ngũ Lão, Q1. TPHCM) người ta dễ dàng bắt gặp những cửa hàng bày bán đủ loại thuốc lá nội, ngoại, thậm chí cả thuốc lá lậu. Nói là cửa hàng nhưng thực ra chỉ là những quầy thuốc lá lưu động án ngữ ngay trên vỉa hè đông người qua lại.
Khu vực khách sạn Viễn Đông (phố Phạm Ngũ Lao) khoảng hơn chục mét nhưng có đến 7 quầy thuốc lá với cách bày bán và chủng loại khá giống nhau.
Bước vào một quầy nhỏ nằm sát khách sạn Viễn Đông, tôi nhận được sự niềm nở của chị bán hàng tên Vân. Thấy tôi nói muốn thuốc lá cho người thân, chị Vân liền “tư vấn” cho tôi 3- 4 loại thuốc lá mà theo lời chị là “rất thơm và nhẹ, dịu”. Nhưng khi nhìn quầy hàng lèo tèo vài bao thuốc tôi thắc mắc : “Chắc ở đây chỉ bán thuốc lẻ đúng không?”. Chị Vân nhìn tôi thoáng chút hoài nghi nhưng cũng gật đầu “Khách chủ yếu mua lẻ, khách “ta” thì mua một vài điếu còn khách “tây” thì bán cả bao. Nếu em mua nhiều cũng có nhưng phải đợi hơi lâu”. Sau một hồi trò chuyện tôi từ chối khéo rồi hẹn gặp chị sẽ quay lại mua thuốc sau.
Đem thắc mắc về mấy bao thuốc lá ngoại không có tem được bày bán ngang nhiên ở các quầy thuốc lá về khách sạn tôi nhận được sự giải đáp nhiệt tình của anh Nguyễn Thanh P., nhân viên Khách sạn Viễn Đông. Là một người “nghiền” thuốc lá anh P. cho biết, đấy là hàng lậu và đối tượng của những bao thuốc lá không tem này thường là khách Tây.
Theo anh P., bản thân anh mỗi ngày cũng “tiêu thụ” đến gần 30 chục điếu thuốc lá, phần lớn lượng thuốc này được mua ở những hàng bán thuốc lưu động gần khách sạn. Khi tôi hỏi thêm về lời cảnh báo trên bao thuốc thì anh P. trả lời luôn: “Nhìn hình ảnh thì sợ chứ mấy lời cảnh báo này thì nhằm nhò gì!”.
Cấm cứ cấm, hút cứ hút
Theo khảo sát của Bộ môn Sức khỏe Môi trường, Trường ĐH Y tế Công cộng, thực trạng vi phạm qui định cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá diễn ra phổ biến (vi phạm 95% các quy định của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của LHQ mà Việt Nam đã ký). Nhiều quán cà phê, giải khát vẫn quảng cáo thuốc lá, nhiều băng rôn khẩu hiệu in tên nhà tài trợ là hãng thuốc lá.
Theo ông Lý Ngọc Kính, chuyên gia của Chương trình Quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), quy định hiện hành về cấm quảng cáo thuốc lá của VN còn nhiều kẽ hở như chưa cấm trưng bày, chưa cấm hoàn toàn tài trợ...
Cũng theo ông Kính, ngay cả quy định xử phạt về hành vi hút thuốc lá tại các nơi công cộng và nơi làm việc trong nhà có hiệu lực hơn 9 tháng nay nhưng các đoàn thanh tra chưa xử lý được một trường hợp vi phạm nào. Lý do là đội ngũ được giao quyền xử phạt như thanh tra chuyên ngành y tế, dược lại quá mỏng. Trong khi lực lượng có thể quán xuyến công việc tốt nhất là cán bộ nhân viên của từng cơ quan, bảo vệ của cơ quan… lại không được giao quyền xử phạt mà chỉ được phép nhắc nhở nếu phát hiện hành vi vi phạm. Ngay cả quy định cụ thể về việc xử phạt như thế nào, biên lai thu phạt ra sao, tiền phạt nộp vào đâu... đến thời điểm này cũng chưa có.
Nhiều người kinh doanh thuốc lá thừa nhận, suốt thời gian bán hàng chưa bao giờ thấy thanh, kiểm tra về quảng cáo thuốc lá của cơ quan chức năng tại cửa hàng của họ, cũng như chưa bao giờ có ai nhắc nhở, xử phạt về quảng cáo thuốc lá trong trường hợp vi phạm. Chính vì những kẽ hở này nên các công ty kinh doanh thuốc lá đã lách luật, đầu tư trực tiếp cho những người bán lẻ thuốc lá, tạo điều kiện cho người bán lẻ trở thành nhân viên quảng cáo, tiếp thị cho các sản phẩm thuốc lá của họ.
Ông Kính cho biết thêm, hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành sử đổi quy định về xử phạt hành vi hút thuốc lá để các địa phương, bộ ngành có cơ sở xử phạt. Tuy nhiên theo ông Kính, vấn đề quan trọng là phải tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành quy định. Để làm được điều này vẫn cần phải có thời gian tuyên truyền và một chế tài xử phạt đủ mạnh.
Theo điều tra của WHO, hàng năm tại Việt Nam có trên 40.000 người chết vì thuốc lá, chưa kể số người tử vong do hút thuốc thụ động, 80% số bệnh nhân ung thư phổi do sử dụng thuốc lá, tiêu tốn trên 800 tỷ đồng/năm để điều trị những bệnh do thuốc lá gây ra. Theo các chuyên gia y tế, hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây ra các ca tử vong có thể tránh được và là nguyên nhân thứ nhì gây tử vong, sau ung thư.
Ảnh: Hút thuốc lá trong khuôn viên Bệnh viện (Ảnh chụp tai BV K, Hà Nội)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét