Đoan Trang
Những tác hại của việc hút thuốc lá đã được các chuyên gia y tế khuyến cáo rất nhiều. Các quy định về cấm quảng cáo thuốc lá cũng không phải là ít. Nhưng, người kinh doanh thuốc lá trên địa bàn TP. HCM vẫn “phớt lờ” pháp luật.
Hút và quảng cáo thuốc lá tràn lan…
Mặc dù quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng đã có hiệu lực từ lâu nhưng bất cứ nơi công cộng nào (từ sân bay, bến xe, công viên, nhà hàng, quán cafe…) của TP. HCM – khói thuốc lá vẫn bay mù mịt.
Phố Đỗ Quang Đẩu – nơi tụ tập rất đông Tây “ba lô” của tpHCM lúc nào cũng nườm nượp khách vào ra. Dọc tuyến phố, đi qua bất kỳ hàng ăn hay quán cafe lớn, nhỏ nào, ta đều bắt gặp cảnh các ông tây, bà đầm ngồi nhâm nhi tách cafe, mắt mơ màng thả hồn theo khói thuốc. Sau khi đã yên vị tại một quán cafe khuất nẻo gần cuối phố, một “mày râu” trong nhóm chúng tôi gọi một bao thuốc lá Ba số 5, bà chủ quán đon đả mời chào: “Quán chúng em tuy không trưng bày thuốc nhưng các anh cứ gọi nhé, loại nào cũng có hết”. Chỉ tay vào chiếc biển khá lớn gắn ngay ở quầy giữa quán, anh bạn tôi hỏi: “Đề biển cấm thế này hút thuốc được không bà chủ?”, chị này vẫn ngọt như mía lùi: “Gắn biển cho vui vậy thôi, các anh cứ hút xả láng!”…
Nhu cầu vẫn lớn như thế, nên nguồn cung ở đây cũng rất phong phú. Nếu như dân ngoài Bắc, các loại thuốc thuộc loại cổ như: Hero, Rubi… không còn phổ biến trên thị trường nữa thì trong này “thượng vàng, hạ cám” đều có tất. TP. HCM còn có cả những phố chuyên bán sỉ thuốc lá như phố Học Lạc, Trần Nhân Tôn… (quận 5), Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản… (quận 1), các phố bán lẻ thuốc lá thì không thể đếm được. Theo ông Trịnh Văn Hiệp, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe, Sở Y tế TP. HCM, TP hiện có tới 700 doanh nghiệp được cấp phép bán lẻ thuốc lá, 51 cơ sở bán buôn và hàng ngàn điểm bán lẻ. Đáng buồn là có tới trên 93% các doanh nghiệp và các điểm bán buôn, bán lẻ thuốc lá vi phạm về quy định quảng cáo thuốc lá.
Cụ thể, ông Hiệp cho hay, các cửa hàng quảng cáo thuốc lá rất tinh vi bằng cách: “biến” cả cửa hiệu của mình thành bao thuốc lá (sơn cửa hiệu, thiết kế cửa hiệu giống hình một bao thuốc mang nhãn hiệu nào đó); các doanh nghiệp thì quảng cáo, tiếp thị dưới mọi hình thức (tặng người bán dù che, xe đẩy, tủ bán… mang hình dáng và nhãn hiệu của hãng thuốc). Ngay đến hệ thống các quầy, kệ bán hàng trong các siêu thị của TP cũng nhan nhản các hình ảnh, poster sản phẩm thuốc lá. Thậm chí, có doanh nghiệp ở TP còn “bổ sung” thêm cả dịch vụ “cung cấp nhân viên tiếp thị, quảng cáo thuốc lá”. Ngoài ra là một loạt các chương trình khuyến mại, đại loại như: trúng thưởng nhà, xe máy khi mua thuốc lá với những lời lẽ rất hấp dẫn “mua càng nhiều trúng càng nhiều”, rồi “mua 5 bao thuốc, tặng một hộp quẹt”…
Không chỉ thế, các hãng thuốc lá còn sẵn sàng tặng miễn phí hoặc giảm giá các sản phẩm để “lấy lòng” các thượng đế. Điển hình nhất là hãng thuốc lá Craven. Tại không ít các quán cafe trên địa bàn TP, chỉ cần đến uống cafe, khách hàng sẽ được hút miễn phí thuốc lá. Một đại lý thuốc lá trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 còn cho hay, loại thuốc lá Craven của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đang giảm giá nên bà bán rất chạy loại thuốc này (mỗi gói thuốc lá Craven “A” xé lẻ 6 điếu bà lấy vào 4000 đồng, nhưng bán được 5000 đồng/gói). Ngoài loại thuốc lá kể trên, quầy hàng của bà trưng bày rất nhiều loại thuốc khác vì theo bà cho biết: “Khách hàng rất đa dạng, nếu mình trưng bày ít mặt hàng quá họ sẽ không tới nữa…”.
Tìm hiểu một loạt các quầy hàng di động ở khu phố này, chúng tôi được biết, không cần mất quá nhiều vốn, trang thiết bị (từ xe đẩy, tủ bán thuốc lá, dù che, hộp quẹt…) được trang bị tận răng nên các tư thương ở đây tỏ ra rất hồ hởi kinh doanh loại mặt hàng hiện bị coi là “nhạy cảm” và được khuyến cáo “không nên sử dụng” này.
Không chỉ thế, một chủ quầy thuốc khác trên phố này còn tiết lộ: “Ngoài trang bị các xe đẩy, quầy bán…, hãng thuốc lá Ba số còn tặng mỗi cửa hàng từ 3-5 cây thuốc lá/tháng (trị giá khoảng 600.000 – 1.000.000 đồng) nên ai mà chẳng ham…”.
Chưa thể kiểm soát được…
Vẫn biết là các doanh nghiệp và tư thương lợi dụng các khe hở của luật pháp để “lách”, nhưng vì các quy định chưa rõ ràng, lực lượng còn mỏng… nên thành phố đành “bó tay” đứng nhìn – ông Trịnh Văn Hiệp buồn bã chia sẻ với chúng tôi. Ông Hiệp cũng cho hay, mặc dù, TP cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá , cũng như phổ biến các quy định về lĩnh vực này đến người dân nhưng không hiểu vì lý do gì, họ vẫn “phớt lờ” tất cả. “Nhưng chúng tôi sẽ vẫn phải làm, dù rất khó khăn” – ông Hiệp khẳng định.
Ông Hiệp cho biết, trước thực trạng loạn quảng cáo thuốc lá trên địa bàn TP, các ban ngành của địa phương đã họp nhiều lần và thống nhất chủ trương: Trong năm 2011 sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này. Đặc biệt tập trung mạnh vào các doanh nghiệp sản xuất và bán buôn. Khi đã thấm nhuần tư tưởng rồi mà các doanh nghiệp vẫn vi phạm, tùy theo mức độ nặng hay nhẹ sẽ có biện pháp xử lý cụ thể (vi phạm lần thứ đầu chỉ nhắc nhở, lần thứ hai sẽ tiến hành xử phạt, nếu vẫn tiếp tục vi phạm sẽ xử lý nặng hơn, thậm chí đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự).
Kết ngắn
Mặc dù đã đề ra cả một lộ trình để thực thi các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nhưng, có “phòng” và “chống” thuốc lá, hay “dẹp được loạn quảng cáo thuốc lá” hay không vẫn còn là một câu chuyện rất dài. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng TP HCM sẽ tiên phong giải quyết được vấn nạn này, dù là rất mong manh./.
Phòng chống tác hại thuốc lá đang là một vấn đề ngày càng thu hút được sự quan tâm của bạn đọc rộng rãi. Với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực chuẩn bị để Luật Phòng chống tác hại thuốc lá sớm được thông qua. Blog này được xây dựng nhằm hỗ trợ các nhà báo Việt Nam chia sẻ mọi thông tin liên quan tới kiểm soát thuốc lá, học hỏi và hỗ trợ nhau về nghiệp vụ để góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét