Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Doanh thu tăng nhờ cấm hút thuốc

Thanh Thủy

Trong suốt 5 năm áp dụng chính sách không khói thuốc, doanh thu của khách sạn New Epoch, Q3, TP HCM, liên tục tăng 30-40% so với khi chưa áp dụng quy định này.

New Epoch là một trong 22 khách sạn hưởng ứng lời kêu gọi của Sở Y tế TP HCM trở thành khách sạn không khói thuốc. 80 phòng của khách sạn này hiện nay chỗ nào cũng treo biển cấm hút thuốc, chỉ có 10 phòng trên cùng là dành cho khách nghiện thuốc không bỏ được.

“Tại New Epoch giờ đây, với hệ thống nhà hàng ở sảnh dưới, hút thuốc lá là cấm kỵ hoàn toàn”, ông Nguyễn Phát Thảo, giám đốc khách sạn New Epoch nói.

Năm 2005, Sở Y tế TP HCM bắt đầu có ý tưởng kêu gọi các nhà hành và khách sạn hạn chế thuôc lá. Ông Nguyễn Phát Thảo, giám đốc khách sạn New Epoch, cho hay ý tưởng khách sạn không khói thuốc đến với ông sau khi ông được bạn bè công tác tại Sở Y tế thành phố giải thích về tác hại của khói thuốc lá.

Thoạt đầu, ông Thảo thấy cái ý tưởng này kỳ cục. Làm dịch vụ mà không thuốc lá thì ai vào? Bán thuốc cũng có tiền đấy chứ? Là người hay lật ngược vấn đề, ông mường tượng: “Nếu New Epoch làm được điều này thì 1 năm tiết kiệm được khoảng 10-15% chi phí diêm quẹt, bật lửa, gạt tàn, chi phí hút mùi, giặt thảm.

“Không hút thuốc cũng đồng nghĩa với việc có thêm hợp đồng làm event của Sở Y tế, Sở Tài nguyên môi trường, đặc biệt là đám cưới và lễ thôi nôi- các đám này cũng đang rất muốn có môi trường trong sạch và cắt giảm chi phí thuốc lá.

“Chỉ cần thu hút được vài đoàn khách như vậy là doanh thu khách sạn cũng phải tăng chừng 20-30%”- ông Thảo tính tóan.

Bài tính của ông Thảo chính xác. Cho đến thời điểm này khách sạn của ông Thảo đã duy trì nghiêm lệnh không hút thuốc lá được 5 năm mà doanh thu năm nào cũng tăng.

Ba tháng đầu tiên thực hiện lệnh cấm này, ông Thảo nhớ lại, khách cảm thấy vô cùng khó chịu. Doanh thu khách sạn giảm xuống do một số khách bỏ đi, phần nữa là không có lợi nhuận do bán thuốc lá đem lại.

Nhưng New Epoch vẫn kiên trì. Sau 3 tháng đó, tự nhiên các hợp đồng tổ chức sự kiện cứ đổ về, các đoàn khách nước ngoài cũng ghé đến ngày một đông.

“Tôi hết run vì con đường mình chọn đúng”, ông Thảo kể.

Con đường nói không với thuốc lá đối với những người như ông Thảo cũng khá dài và gian nan. Vốn là giáo viên giảng dạy bộ môn khách sạn của trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, ông kể ông là người nghiện thuốc từ năm 17 tuổi.

“Khi ở trong quân ngũ, tôi đốt không biết bao nhiêu điếu thuốc, khói thuốc ám vàng cả ngón tay.

“Chuyển ngành về giảng dạy cho sinh viên, thói quen hút thuốc không bỏ được. Có những đêm soạn giáo án, tự tay tôi phải bưng gạt tàn đi đổ vài lần. Càng làm, càng tiếp khách nhiều, càng không bỏ được thuốc”, ông Thảo nói.

Khi hiểu được tác hại của thuốc lá, rồi như bắt được cơ hội, ông Thảo tự răn mình bỏ thuốc.

Cho đến bây giờ, cứ ở đâu mời đi nói chuyện về mô hình khách sạn không khói thuốc là ông Thảo vui vẻ nhận lời.

Anh Trần Văn Châu, nhân viên quản lý nhà hàng ở đây cho biết khách sạn có nơi dành cho hút thuốc, nhưng điều đó vẫn có nghĩa là không khuyến khích hút thuốc vì không gian dành cho hút thuốc chật chội, không điều hòa, không thảm, không ghế ngồi, thậm chí không cửa sổ, chỉ duy nhất có cái quạt hút gió chạy vè vè.

“Với cái nóng của Sài Gòn thì chẳng có thực khách nào đủ can đảm để đứng đó hút một điếu thuốc”, anh Châu giải thích.

“Chỗ chúng em là vậy đó, muốn hút thuốc thì phải chịu cực. Em mắc bệnh hen nên rất sợ mùi thuốc. Biết khách sạn ở đây không sử dụng thuốc lá em mới dám đưa đơn xin vào làm”, chị Trần Thị Mỹ Hạnh, nhân viên phục vụ trong khách sạn nói.

“Ngoài sự nỗ lực tập trung vào một số nhà hàng, khách sạn ở TP HCM, chúng tôi mong muốn việc cấm quảng cáo thuốc lá cần được làm nghiêm vì chính quảng cáo thuốc bừa bãi đang góp phần làm cho mọi người tiếp tục hút thuốc lá”, bác sĩ Trịnh Văn Hiệp, Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe, Sở Y tế tpHCM cho hay.

Theo các nghiên cứu thì 1 người hút thuốc lâu năm có tuổi thọ ngắn hơn người không hút thuốc từ 15-20 năm. Ở VN, những người chết vì ung thư họng, phổi có liên quan đến thuốc lá đều ở độ tuổi trung niên, độ tuổi đang là chỗ dựa cho gia đình và đóng góp cho xã hội được nhiều nhất.

“Đã đến lúc Việt Nam cần có một bộ luật đầy đủ về phòng chống tác hại của thuốc lá để triển khai rộng rãi ra các nhà hàng, khách sạn, công sở, nơi vui chơi giải trí và từng người dân”, ông Charles Smiths, chuyên gia của Hội Ung thư Hoa Kỳ nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét