Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Hút thuốc lá tràn lan, khách sạn vẫn 3 sao!


Thu Trà

Tại một khách sạn 3 sao nổi tiếng ở quận 1, TP.HCM, hàng ngày các nhân viên, nhất là những người dọn phòng phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật do thuốc lá gây ra. Ở đây, 95% khách lưu trú hút thuốc trong phòng nghỉ.


Một lúc phải hít hai loại mùi


Vì nằm ở vị trí đẹp, thuận tiện đi lại, nên khách sạn V rất đông khách, kể cả vào thời điểm không phải mùa du lịch. Nhưng chính trong sự ăn nên làm ra này mà không ít nhân viên đang phải đối mặt với nguy cơ cao của các căn bệnh do khói thuốc lá gây ra.

Chị Loan, người chịu trách nhiệm dọn phòng ở tầng 4 cho chúng tôi xem những giá để đồ có khá nhiều bao thuốc lá của Việt Nam và nước ngoài do khách để quên.

Chị Nguyễn Thị Minh, nhân viên dọn phòng, có thâm niên làm việc ở khách sạn 7 năm, cho biết: hầu như ngày nào các chị cũng nhặt được những bao thuốc lá đang hút dở, vỏ bao hoặc cả bao nguyên trong phòng khi khách đã trả phòng. Kèm theo đó là việc dọn dẹp những đầu mẩu thuốc lá nhiều khi vương vãi khắp nơi.

Theo kinh nghiệm của chị Nguyễn Thị Minh và chị Hà Minh Nguyệt, khách lưu trú là người Việt Nam thường hút nhiều, hút ngay trong phòng và ít khi dụi tàn thuốc lá vào gạt tàn. Còn khách nước ngoài chỉ hút ở ngoài hành lang.

Chị Minh kể có những lần bị cảm giác như xây xẩm mặt mày khi dọn phòng có nhiều đầu mẩu và tàn thuốc lá. Chị bảo cứ tưởng tượng mà xem, họ (khách lưu trú) đóng kín cửa phòng rồi hút hết điếu này đến điếu khác. Khói thuốc không thoát ra ngoài nên ám hết vào các đồ vật trong phòng. Lúc đấy, nhân viên dọn phòng phải dùng đến máy khử mùi.

“Đã bao giờ cô ngửi thấy mùi khí của máy khử mùi chưa, nó khó chịu không kém gì mùi ám của thuốc lá”, chị Nguyệt nói thêm.

Trao đổi với một số nhân viên buồng phòng của khách sạn, được biết họ hiểu rất rõ về sự nguy hiểm của khói thuốc thụ động, nhưng không thể tránh được. Có nhiều chị còn tặc lưỡi, âu nó cũng là cái nghề để kiếm cơm, cứ kệ như thế đi.

Điều đáng nói là dù ở các góc của hành lang khách sạn đều đặt thùng đựng đầu mẩu thuốc lá, song cái nào cũng sạch như chùi. Biển "không hút thuốc lá" dường như chỉ được treo ở phòng ăn của khách sạn.

Vẫn hút thuốc nhiều vì...quảng cáo vẫn tràn lan?

“Tôi biết thuốc có hại chứ, cũng bỏ được một thời gian rồi đấy, nhưng buổi tối đi công chuyện, vào quán uống cà phê, thấy mấy cô quảng cáo thuốc lá mời ngọt quá nên không đừng được, hút đại một điếu, thế rồi nghiện lại, không thể bỏ được”, ông Trần Huy Hải, người Đà Nẵng, đang lưu trú tại khách sạn, đứng hút thuốc ở hành lang, cho biết.

Thực tế cho thấy mặc dù đã bị cấm nhưng quảng cáo thuốc lá vẫn đang xuất hiện một cách ngày càng tinh vi. TS.Lý Ngọc Kính, chuyên gia cấp cao, VINACOSH, đưa ra thông tin có 5 vi phạm thường thấy trong quảng cáo thuốc lá. Đó là trưng bày trên 1 bao chiếm 91,5%; xe đẩy, có logo chiếm 41,5%; quang cáo thuốc lá có nhiều loại hương vị chiếm 20,5%; mẫu sản phẩm có nhiều màu sắc, hoa văn bắt mắt chiếm 19,5%; hai bao dính liền chiếm 15,9%.

Bác sĩ Trịnh Văn Hiệp - Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khoẻ TP.HCM khi trao đổi với báo chí tại Chương trình Nâng cao nghiệp vụ báo chí và phòng chống tác hại thuốc lá do Hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) và Chương trình Quốc gia Phòng chống tác hại thuốc lá (VINACOSH, Bộ Y tế) tổ chức, đã thẳng thắn chỉ ra rằng thuốc lá là loại sản phẩm có hại nên rõ ràng cần cấm quảng cáo thuốc lá một cách toàn diện mới giảm bớt được mọi biến tưởng.

Những thông tin trên không lý giải được việc khách sạn 3 sao nói trên có nhiều khách hút thuốc trong phòng, nhưng cũng phần nào cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hút thuốc tràn lan vẫn là việc vi phạm quảng cáo sản phẩm thuốc lá chưa được xử lý nghiêm.

(Do yêu cầu, tên một số nhân viên khách sạn đã được thay đổi)

Chú thích ảnh: Trong giá để đồ của nhân viên buồng phòng có cả thuốc lá do khách để lại (ảnh: Vũ Thu Trà)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét